Dịch vụ giặt là áo dài
Lụa tơ tằm là một chất liệu quý trong ngành dệt may. Với đặc tính mềm mại, nhẹ, mát dịu, êm ái và thân thiện cho làn da, lụa tơ tằm là một trong những chất liệu vải tự nhiên được chị em ưa chuộng nhất. Ngoài ra, lụa tơ tằm còn mang tới cho người mặc vẻ đẹp quý phái, sang trọng, đầy nữ tính mà ít loại vải nào có thể sánh kịp. Chẳng thế mà giới thời trang từng tôn vinh lụa tơ tằm như “nữ hoàng” của mọi chất liệu may mặc.
Ngoài lụa tơ tằm được dệt theo phương pháp thủ công, lụa tơ tằm ngày nay được dệt bằng công nghệ cao nên tạo ra được nhiều loai vải tơ tằm đa dạng như: Satin tơ tằm, Mutsolin tơ tằm, Crếp tơ tằm, là những loại vải có độ bóng, mềm, nhẹ nên được sử dụng nhiều để may áo dài, đầm, váy dạ hội, đầm ngủ, … Hay, những loại vải như: Tappta tơ tằm, Đũi tơ tằm, Fuzi tơ tằm, là những loại vải dầy và cứng hơn, thường được sử dụng để may đầm dạ hội, váy cưới, may comple, áo vest, quần tây, …
Vải lụa tơ tằm đòi hỏi sự chăm sóc tương đối cẩn thận và cầu kỳ để giữ được chất lượng vải cũng như màu sắc. Nhược điểm của lụa tơ tằm là dễ co, ố, kém chịu nhiệt, kém bền với kiềm. Nhiệt độ cao làm lụa tơ tằm bị gãy, giòn. Ánh nắng và mồ hôi dễ làm tơ mau mục và úa vàng. Vì vậy, độ bền, đẹp của áo dài lụa tơ tằm phụ thuộc rất lớn vào người sử dụng.
CÁCH GIẶT ÁO DÀI VẢI LỤA TƠ TẰM
Trước khi đem áo dài vải lụa tơ tằm đi giặt, cần chú ý, xem kỹ chỉ dẫn giặt và bảo quản trên nhãn mác. Các đồ tơ tằm có ghi “Chỉ được giặt khô” không được giặt thường, vì giặt thường các đồ tơ tằm dễ bị co, đồ tơ tằm đậm màu có thể bị phai màu.
Áo dài vải lụa tơ tằm không thích hợp giặt nước với xà phòng vì trong nguồn nước máy có các hợp chất canxi và magiê, khi gặp xà phòng chúng sẽ biến thành xà phòng canxi hoặc xà phòng magiê. Do tơ tằm mang điện tích dương, xà phòng mang điện tích âm nên dễ kết tủa và phủ lên mặt vải lụa tơ tằm các đốm trắng xám.
Khi giặt nước do tác động của lực va đập, vặn kéo căng, ma sát sẽ làm cho sợi tơ bị hỏng, hoặc “xô lệch”, dẫn đến biến dạng, mất đi độ óng mượt vốn có và giảm độ bền sử dụng của áo dài.
Áo dài lụa tơ tằm không được giặt bằng nước nóng, hay ngâm trong nước nóng. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc tẩy vì nó sẽ làm hỏng sợi tơ và nhanh làm bạc màu.
Hàng lụa tơ tằm thường chỉ nên giặt khô. Vì sau khi giặt khô, sản phẩm không những được làm sạch, mà sợi tơ tằm vẫn giữ được độ bóng nguyên thủy của sản phẩm và bền màu.
ÁO DÀI VẢI NHUNG, VẢI GẤM
Người ta thường nói sống trong nhung lụa để chỉ những người giàu sang, quí phái. Thực chất vải nhung không rẻ vì qui trình sản xuất rất cầu kỳ.
VẢI NHUNG
Vải nhung có một phương pháp dệt rất đặc biệt. Theo cách dệt này người ta chèn thêm hoặc là sợi ngang, hoặc là sợi dọc dùng để tạo ra các nút thắt có vòng tròn nhỏ trồi lên. Sau khi dệt xong, để hoàn tất người ta cắt các vòng tròn nhỏ này ra. Một mặt vải sẽ trơn bình thường mặt còn lại sẽ có một lớp sợi xù lên, mềm mại, tạo thành đặc tính của nhung
Tùy theo người ta dùng chất liệu nào sản xuất ra vải nhung, vải sẽ bền, tốt hoặc dễ hư. Một loại nhung khác nữa là qua kỹ thuật ủi mà lớp nhung mềm sẽ được ép xuống thật sát mà không mất đi tính chất đặc trưng của dòng vải. Người ta có thể dùng kỹ thuật ủi để tạo các hoa văn trên mặt vải. Khi sản xuất nếu người ta chỉ chèn thêm sợi tạo nút thắt vòng tròn ở một số nơi nhất định trên vải. Vải qua đó sẽ có hoa văn theo mẫu các sợi chèn thêm. Các chỗ còn lại thường láng và bóng.
Vải nhung là một trong những chất liệu mịn, mượt, xốp, có độ giữ ấm như len nhưng mềm mại và quý phái hơn nhiều. Thời trang nhung vô cùng phong phú khiến cho người tiêu dùng phải ngạc nhiên vì sự biến hóa trong vẻ đẹp của nó. Thời trang nhung có lúc mang đến cho người mặc phong cách lãng mạn, cổ điển, có lúc mang đến sự xa hoa, quý phái và qua bày tay tài hoa của các nhà thiết kế, nhung còn mang đến phong cách lịch sự, tao nhã và thướt tha.
VẢI GẤM
Vải gấm có nền dày, bóng như xa tanh. Nền gấm thường có những hoa văn, chữ triện hay chữ thọ với sắc màu tươi, sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi có ánh sáng, đứng ở mỗi góc cạnh khác nhau, ta sẽ thấy mình gấm có các màu sắc khác nhau.
Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa dân thường không được dùng, chỉ có vua, quan được mặc mà thôi. Vua mặc gấm vàng có hai rồng chầu mặt nguyệt hay hổ phù. Còn gấm may lễ phục cho các quan thường là gấm hoa tròn hay gấm hoa bạc.
CÁCH GIẶT ÁO DÀI VẢI NHUNG, VẢI GẤM
Giống như lụa, vải nhung là một loại vật liệu chất lượng cao và những trang phục từ loại vài này mang đến cho người mặc vẻ đẹp quý phái, sang trọng lại giữ ấm tốt trong ngày đông. Vì vậy, nhiều quý cô luôn ưa chuộng loại vải quý phái này. Tuy nhiên, vải nhung lại rất khó để giặt là khi nó bị dính bụi bẩn.
Cần phải chú ý rằng, quần áo bằng vải nhung không được dùng máy giặt, bởi vì sợi nhung không chịu được xoa xát, dùng máy giặt sẽ rất chóng bạc màu, mục, hỏng và giảm nhanh tính năng giữ ấm của nó. Không được dùng nước nóng hoặc xà phòng có tính kiềm quá cao để giặt quần áo loại này. Phương pháp giặt tốt nhất đối với áo dài vải nhung là nên giặt khô.
Cũng giống như hàng lụa tơ tằm, vải gấm cũng có các đặc tính tương tự, nên giặt khô sẽ là phương pháp làm sạch tối ưu đối với các áo dài may từ vải gấm, không những đảm bảo làm sạch các vết bẩn, mà còn giữ được màu sắc nguyên thủy của trang phục
Nguồn: GiatLa.net
Post a Comment